Tiếng Việt Hoàng Thịnh Luật Tiếng Anh Hoàng Thịnh Luật
 Trụ sở: 40/9/8 Trần Văn Quang, Phường 10, Quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh
 Văn phòng: 284/61 Lý Thường Kiệt, Phường 14, Quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh
 Thứ 2 thứ 6: 8:00 - 17:00
 Thứ 7: 8:00 - 11:00
Hotline  0913.849.072
Tiếng Việt Hoàng Thịnh Luật Tiếng Anh Hoàng Thịnh Luật

Hoàng Thịnh Luật

Công văn 02/TANDTC-PC về việc giải đáp một số vướng mắc trong xét xử

    TẢI TOÀN BỘ CÔNG VĂN 02/TANDTC-PC: TẠI ĐÂY

     

    TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO
    -------

    CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
    Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
    ---------------

    Số: 02/TANDTC-PC
    V/v giải đáp một số vướng mắc trong xét xử

    Hà Nội, ngày 02 tháng 8 năm 2021

     

    Kính gửi:

    - Các Tòa án nhân dân và Tòa án quân sự;
    - Các đơn vị thuộc Tòa án nhân dân tối cao.

    Qua công tác tổng kết thực tiễn xét xử, Tòa án nhân dân tối cao nhận được phản ánh của các Tòa án về một số vướng mắc khi giải quyết các vụ án hình sự, dân sự. Để bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật, Tòa án nhân dân tối cao có ý kiến như sau:

    I. VỀ HÌNH SỰ

    1. Trong vụ án hình sự có đồng phạm bị Tòa án áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “phạm tội có tính chất côn đồ” hoặc tình tiết định khung tăng nặng “phạm tội có tính chất côn đồ” theo quy định của Bộ luật Hình sự, đối với đồng phạm khác là người phạm tội có vai trò không đáng kể, không trực tiếp tham gia thực hiện hành vi phạm tội thì khi xét xử có được cho hưởng án treo không?

    Theo hướng dẫn tại khoản 1 Điều 3 của Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP ngày 15-5-2018 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng Điều 65 của Bộ luật Hình sự về án treo thì người phạm tội là người côn đồ thuộc trường hợp không cho hưởng án treo. Như vậy, trường hợp người phạm tội bị Tòa án áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “phạm tội có tính chất côn đồ” hoặc tình tiết định khung tăng nặng “phạm tội có tính chất côn đồ” theo quy định của Bộ luật Hình sự thì thuộc trường hợp không cho hưởng án treo.

    Tuy nhiên, đối với vụ án hình sự có đồng phạm, khi xét xử Tòa án phải xem xét, đánh giá tính chất, vai trò, hành vi phạm tội của từng đồng phạm để xác định có thuộc trường hợp “phạm tội có tính chất côn đồ” hay không.

    2. Do có mâu thuẫn nên P, L đã đánh nhau với Y. Y đã dùng lưỡi dao lam gây thương tích cho P 14%, L 44%. Vậy Y bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại hai điểm c, d khoản 3 hay chỉ điểm c hoặc điểm d khoản 3 Điều 134 của Bộ luật Hình sự?

    Trường hợp này, Y bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điểm c khoản 3 Điều 134 của Bộ luật Hình sự. Ngoài ra, Y còn gây thương tích cho P 14% nên khi lượng hình cần xem xét cả hậu quả này.

    3. Trường hợp bị cáo phạm tội lúc chưa đủ 70 tuổi. Tại thời điểm xét xử, bị cáo đã trên 70 tuổi thì có được áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự “người phạm tội là người đủ 70 tuổi trở lên” theo quy định tại điểm o khoản 1 Điều 51 của Bộ luật Hình sự hay không?

    Quy định tại điểm o khoản 1 Điều 51 của Bộ luật Hình sự không phân biệt người phạm tội là người đã đủ 70 tuổi trở lên tại thời điểm phạm tội hay trong quá trình truy cứu trách nhiệm hình sự. Do đó, trường hợp khi phạm tội bị cáo chưa đủ 70 tuổi nhưng trong quá trình xét xử họ đã đủ 70 tuổi trở lên thì Tòa án vẫn áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự “người phạm tội là người đủ 70 tuổi trở lên” đối với họ.

    4. Người sử dụng phương tiện giao thông của người khác gây tai nạn thì thiệt hại đối với tài sản này có bị coi là gây “thiệt hại cho người khác” quy định tại khoản 1 Điều 260 của Bộ luật Hình sự không?

    Thiệt hại cho người khác quy định tại khoản 1 Điều 260 của Bộ luật Hình sự được hiểu là thiệt hại không bao gồm thiệt hại của người gây tai nạn và phương tiện mà người gây tai nạn sử dụng. Do đó, trường hợp nêu trên không coi thiệt hại từ chính phương tiện mà họ điều khiển là “thiệt hại cho người khác” dù đó không phải là tài sản của họ.

    5. Thế nào được coi là đã thực hiện xong nghĩa vụ bồi thường thiệt hại trong trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng theo bản án, quyết định của Tòa án khi xét tha tù trước thời hạn có điều kiện?

    Khoản 1 Điều 591 của Bộ luật Dân sự quy định: “Thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm bao gồm: ...Tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng...”.

    Như vậy, nghĩa vụ cấp dưỡng cũng là nghĩa vụ bồi thường thiệt hại. Đối với trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng theo bản án, quyết định của Tòa án thì chỉ được coi là đã thực hiện xong nghĩa vụ bồi thường thiệt hại để xét tha tù trước thời hạn có điều kiện nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

    - Đã thực hiện xong hoàn toàn nghĩa vụ cấp dưỡng theo bản án, quyết định của Tòa án;

    - Đã thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng 01 lần và được cơ quan có thẩm quyền xác nhận là đã hoàn thành việc cấp dưỡng;

    - Đã thực hiện được một phần nghĩa vụ cấp dưỡng và có thỏa thuận, xác nhận của đại diện hợp pháp của người được nhận cấp dưỡng về việc tiếp tục thực hiện hoặc không phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng theo bản án, quyết định của Tòa án và được cơ quan có thẩm quyền xác nhận;

    - Chưa thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng nhưng có thỏa thuận, xác nhận của người đại diện hợp pháp của người được nhận cấp dưỡng về việc không phải thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng theo bản án, quyết định của Tòa án và được cơ quan có thẩm quyền xác nhận.

    6. Người nghiện ma túy cho người nghiện ma túy khác thuê, mượn địa điểm hoặc có hành vi khác để chứa chấp người nghiện ma túy cùng sử dụng trái phép chất ma túy thì có bị xử lý hình sự về tội chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy theo quy định tại Điều 256 của Bộ luật Hình sự hay không?

    Theo hướng dẫn tại điểm b tiết 7.3 mục 7 phần II Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP ngày 24-12-2007 của Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XVIII “Các tội phạm về ma túy” của Bộ luật Hình sự năm 1999 thì: "b) Người nghiện ma túy cho người nghiện ma túy khác cùng sử dụng trái phép chất ma túy tại địa điểm thuộc quyền sở hữu, chiếm hữu hoặc quản lý của mình thì không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội chứa chấp sử dụng trái phép chất ma túy; đối với người nào có đầy đủ các yếu tố cấu thành tội sử dụng trái phép chất ma túy, thì người đó phải chịu trách nhiệm hình sự về tội sử dụng trái phép chất ma túy quy định tại Điều 199 của Bộ luật Hình sự”.

    Theo hướng dẫn tại Điều 3 Thông tư liên tịch số 08/2015/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP ngày 14-11-2015 của Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp sửa đổi, bổ sung một số điểm của Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP ngày 24-12-2007 của Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XVIII “Các tội phạm về ma túy” của Bộ luật Hình sự năm 1999 thì: “...Bãi bỏ các hướng dẫn tại điểm đ tiết 3.7 mục 3 Phần II; điểm b tiết 7.3 mục 7 Phần II; mục 8 Phần II của Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT”. Cho đến nay vẫn chưa có văn bản pháp luật nào hướng dẫn thay thế nội dung này của Thông tư liên tịch số 08/2015/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP .

    Theo quy định tại khoản 1 Điều 256 của Bộ luật Hình sự thì: “Người nào cho thuê, cho mượn địa điểm hoặc có bất kỳ hành vi nào khác chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 255 của Bộ luật này...”. Quy định này không loại trừ việc xử lý hình sự đối với người nghiện ma túy có hành vi chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma túy. Cho nên, đối với trường hợp người nghiện ma túy cho người nghiện ma túy khác thuê, mượn địa điểm để cùng sử dụng ma túy nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 255 của Bộ luật Hình sự thì bị xử lý về tội chứa chấp sử dụng trái phép chất ma túy theo quy định tại Điều 256 của Bộ luật Hình sự, nếu có đủ yếu tố cấu thành tội phạm.

    7. A là người đi mua ma túy về (B không biết A mua ma túy). Sau đó A và B đến nhà C chơi. Khi đến nhà C, A mới bỏ ma túy ra và bảo “ai chơi thì chơi”. Lúc này cả 03 người cùng sử dụng ma túy, sau đó D đến nhà C và thấy ma túy trên bàn nên đã tự lấy sử dụng. A, B, C và D đều là người nghiện ma túy. Vậy A có bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy hay không?

    Theo Công văn số 89/TANDTC-PC ngày 30-6-2020 của Tòa án nhân dân tối cao về giải đáp nghiệp vụ thì: "Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy được hiểu là thực hiện một trong các hành vi bố trí, sắp xếp, điều hành con người, phương tiện; cung cấp ma túy, địa điểm, phương tiện, dụng cụ... để thực hiện việc sử dụng trái phép chất ma túy”.

    Trong trường hợp này, A là người cung cấp ma túy cho B, C, D để họ thực hiện việc sử dụng trái phép chất ma túy. Hành vi cung cấp ma túy cho người khác sử dụng là một trong các hành vi “tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy”. Do đó, A bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy theo quy định tại Điều 255 của Bộ luật Hình sự.

    II. VỀ TỐ TỤNG HÌNH SỰ, THI HÀNH ÁN HÌNH SỰ

    1. Trường hợp Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp vi phạm về thời hạn ra quyết định truy tố bị can và thời hạn giao cáo trạng theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 240 của Bộ luật Tố tụng hình sự hoặc có dấu hiệu sửa chữa ngày ghi biên bản giao nhận hồ sơ vụ án từ cơ quan điều tra sang Viện kiểm sát để phù hợp với thời hạn luật định. Vậy Tòa án có trả hồ sơ để điều tra bổ sung hay không?

    Trường hợp trên được xác định là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. Tuy nhiên, Tòa án chỉ trả hồ sơ để điều tra bổ sung nếu vi phạm này xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của người tham gia tố tụng theo quy định tại Điều 280 của Bộ luật Tố tụng hình sự và hướng dẫn tại Điều 6 Thông tư liên tịch số 02/2017/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BQP ngày 22-12-2017 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng quy định việc phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng trong việc thực hiện một số quy định của Bộ luật hình sự về trả hồ sơ để điều tra bổ sung.

    Trường hợp nếu Tòa án không trả hồ sơ thì khi xét xử và ban hành bản án, Tòa án phải đánh giá, phân tích tính hợp pháp của các hành vi, quyết định tố tụng của Điều tra viên, Kiểm sát viên theo quy định tại điểm e khoản 2 Điều 260 của Bộ luật Tố tụng hình sự.

    2. Do thời hạn phạt tù bằng hoặc ngắn hơn thời gian bị cáo đã bị tạm giam nên Hội đồng xét xử đã tuyên bố trả tự do cho bị cáo ngay tại phiên tòa. Trường hợp này, Tòa án có phải ra quyết định thi hành án phạt tù đối với người bị kết án không?

    Trường hợp trên, Tòa án không ra quyết định thi hành án phạt tù mà ra quyết định trả tự do cho bị cáo tại phiên tòa. Khi bản án có hiệu lực pháp luật, Tòa án gửi kèm theo bản án quyết định trả tự do cho bị cáo tại phiên tòa cho cơ quan thi hành án hình sự theo quy định.

    3. Thẩm quyền tổng hợp hình phạt của Tòa án quy định tại khoản 3 Điều 56 của Bộ luật Hình sự được thực hiện như thế nào?

    Thẩm quyền tổng hợp hình phạt của Tòa án theo quy định tại khoản 3 Điều 56 của Bộ luật Hình sự được thực hiện như sau:

    - Các bản án đã có hiệu lực pháp luật của cùng một Tòa án thì Chánh án Tòa án đó ra quyết định tổng hợp hình phạt;

    - Các bản án đã có hiệu lực pháp luật là của các Tòa án khác nhau nhưng cùng cấp (cùng cấp huyện trong cùng một tỉnh hoặc khác tỉnh; cùng cấp khu vực trong cùng một quân khu hoặc khác quân khu; cùng sơ thẩm cấp tỉnh, cùng cấp quân khu, cùng phúc thẩm ở Tòa án nhân dân cấp cao), thì Chánh án Tòa án ra bản án sau cùng (về mặt thời gian) ra quyết định tổng hợp hình phạt.

    - Các bản án đã có hiệu lực pháp luật là của các Tòa án không cùng cấp thì Chánh án Tòa án cấp cao hơn đã có bản án có hiệu lực pháp luật ra quyết định tổng hợp hình phạt, không phụ thuộc vào việc bản án của Tòa án cấp cao hơn có trước hay có sau.

    - Trường hợp trong số các bản án đã có hiệu lực pháp luật, có bản án của Tòa án nhân dân, có bản án của Tòa án quân sự, thì việc tổng hợp hình phạt được thực hiện tương tự như trường hợp các bản án đã có hiệu lực pháp luật là của các Tòa án khác nhau nhưng cùng cấp và trường hợp các bản án đã có hiệu lực pháp luật là của các Tòa án không cùng cấp như trên.

    III. VỀ DÂN SỰ

    1. Nhà đất thuộc quyền sở hữu của vợ chồng ông A, bà B. Ông A làm giả chữ ký của bà B để chuyển nhượng nhà đất cho C (việc giả chữ ký đã được chứng minh thông qua việc giám định). Sau khi chuyển nhượng, ông A, bà B vẫn chiếm hữu, sử dụng nhà đất. Sau đó, C dùng tài sản này để thế chấp khoản vay tại Ngân hàng. Vậy, giao dịch thế chấp tại Ngân hàng có bị vô hiệu không? Nếu vô hiệu thì có trái với mục 1 Phần II của Công văn số 64/TANDTC-PC ngày 03-4-2019 của Tòa án nhân dân tối cao về việc thông báo kết quả giải đáp trực tuyến một số vướng mắc về hình sự, dân sự, tố tụng hành chính (sau đây gọi tắt là Công văn số 64/TANDTC-PC) không?

    Điều 123 của Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Giao dịch dân sự có mục đích, nội dung vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội thì vô hiệu.

    Điều cấm của luật là những quy định của luật không cho phép chủ thể thực hiện những hành vi nhất định.

    Đạo đức xã hội là những chuẩn mực ứng xử chung trong đời sống xã hội, được cộng đồng thừa nhận và tôn trọng”.

    Khoản 2 Điều 133 của Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Trường hợp giao dịch vô hiệu nhưng tài sản đã được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền, sau đó được chuyển giao bằng một giao dịch dân sự khác cho người thứ ba ngay tình và người này căn cứ vào việc đăng ký đó mà xác lập, thực hiện giao dịch thì giao dịch đó không bị vô hiệu”.

    Trường hợp này, việc ông A giả chữ ký của bà B để chuyển nhượng nhà đất cho C mà không được bà B đồng ý, nên căn cứ Điều 123 của Bộ luật Dân sự năm 2015 thì giao dịch chuyển nhượng nhà đất trên là vô hiệu.

    Sau khi nhận chuyển nhượng, C dùng tài sản này thế chấp khoản vay tại Ngân hàng nhưng khi ký hợp đồng thế chấp tài sản, Ngân hàng không thẩm định, xác minh nên không biết ông A, bà B vẫn quản lý, sử dụng nhà đất hoặc đã thẩm định nhưng không có tài liệu, chứng cứ chứng minh ông A, bà B biết việc thế chấp tài sản này. Trong trường hợp này, bên nhận thế chấp tài sản (Ngân hàng) không phải là người thứ ba ngay tình theo quy định tại khoản 2 Điều 133 của Bộ luật Dân sự năm 2015 và mục 1 Phần II của Công văn số 64/TANDTC-PC, do vậy, hợp đồng thế chấp tài sản cũng vô hiệu.

    2. Ông A vay của Ngân hàng 01 tỷ đồng, thời hạn vay 01 tháng kể từ ngày 02-01-2017, lãi suất 2% tháng. Sau thời hạn 01 tháng ông A không trả được nợ gốc và lãi. Trong thời hạn 03 năm kể từ ngày 03-02-2017 đến ngày 03-02-2020, Ngân hàng không khởi kiện yêu cầu ông A trả nợ. Đến nay, Ngân hàng khởi kiện yêu cầu ông A trả nợ thì ông A có được quyền yêu cầu áp dụng quy định về thời hiệu trước khi Tòa án cấp sơ thẩm ra bản án, quyết định giải quyết vụ việc hay không?

    Theo quy định Điều 429 của Bộ luật Dân sự năm 2015 thì “Thời hiệu khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp hợp đồng là 03 năm, kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm”.

    Căn cứ quy định nêu trên thì thời hiệu khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp hợp đồng tín dụng đã hết. Tuy nhiên, theo quy định khoản 2 Điều 155 của Bộ luật Dân sự năm 2015 thì không áp dụng thời hiệu khởi kiện trong trường hợp "yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác". Do đó, Ngân hàng có thể khởi kiện ông A yêu cầu đòi lại tài sản (nợ gốc) và Tòa án thụ lý, giải quyết vụ án mà không phụ thuộc vào việc các bên có yêu cầu áp dụng thời hiệu trước khi Tòa án cấp sơ thẩm ra bản án, quyết định giải quyết vụ việc hay không.

    3. Đối với các loại hợp đồng dân sự như hợp đồng thuê nhà, thuê tài sản, hợp đồng vay tài sản của các cá nhân, tập thể với nhau (không phải là hợp đồng tín dụng) thì có áp dụng thời hiệu khởi kiện như quy định tại Điều 429 của Bộ luật Dân sự năm 2015 không?

    Theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 155 của Bộ luật Dân sự năm 2015 thì: "Thời hiệu khởi kiện không áp dụng trong trường hợp sau đây:

    ...2. Yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.

    3. Tranh chấp về quyền sử dụng đất theo quy định của Luật đất đai....”

    Theo quy định tại Điều 429 của Bộ luật Dân sự năm 2015 thì: "Thời hiệu khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp hợp đồng là 03 năm, kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm”.

    Theo quy định tại khoản 2 Điều 184 của Bộ luật Tố tụng dân sự thì: "Tòa án chỉ áp dụng quy định về thời hiệu theo yêu cầu áp dụng thời hiệu của một bên hoặc các bên với điều kiện yêu cầu này phải được đưa ra trước khi Tòa án cấp sơ thẩm ra bản án, quyết định giải quyết vụ việc”.

    Do vậy, đối với các tranh chấp về quyền sở hữu, đòi lại tài sản thì Tòa án không áp dụng thời hiệu không phụ thuộc vào việc một bên hoặc các bên có hay không có yêu cầu áp dụng thời hiệu. Đối với các tranh chấp phát sinh từ giao dịch dân sự như hợp đồng thuê nhà, thuê tài sản, hợp đồng vay tài sản giữa các cá nhân, tập thể với nhau (không phải là hợp đồng tín dụng) thì thời hiệu khởi kiện áp dụng theo quy định tại Điều 429 của Bộ luật Dân sự năm 2015 và Điều 184 của Bộ luật Tố tụng dân sự.

    4. Theo Công văn số 64/TANDTC-PC thì trường hợp giao dịch chuyển nhượng nhà đất bị vô hiệu nhưng bên nhận chuyển nhượng đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà, quyền sử dụng đất và đã thế chấp nhà, quyền sử dụng đất đó cho Ngân hàng theo đúng quy định của pháp luật, căn cứ Điều 133 của Bộ luật Dân sự năm 2015 thì giao dịch thế chấp đó không vô hiệu. Như vậy, hướng dẫn này có áp dụng đối với các giao dịch thế chấp phát sinh trước ngày 01-01-2017 mà nay có tranh chấp không?

    Khoản 1 Điều 156 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 được sửa đổi, bổ sung theo Luật số 63/2020/QH14 năm 2020 quy định: Văn bản quy phạm pháp luật được áp dụng từ thời điểm bắt đầu có hiệu lực. Văn bản quy phạm pháp luật được áp dụng đối với hành vi xảy ra tại thời điểm mà văn bản đó đang có hiệu lực. Trong trường hợp quy định của văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực trở về trước thì áp dụng theo quy định đó.

    Như vậy, về nguyên tắc chung, hành vi xảy ra ở thời điểm nào thì áp dụng pháp luật ở thời điểm đó. Khi văn bản quy phạm pháp luật cụ thể có quy định khác, như quy định có hiệu lực trở về trước (hồi tố) thì mới được áp dụng khác với nguyên tắc chung nêu trên.

    Căn cứ quy định nêu trên, hướng dẫn tại phần 1 mục I của Công văn số 64/TANDTC-PC được áp dụng đối với các giao dịch dân sự được thực hiện kể từ ngày 01-01-2017 mà không áp dụng đối với các giao dịch dân sự được thực hiện trước ngày 01-01-2017.

    IV. VỀ TỐ TỤNG DÂN SỰ

    1. Ông A phải thi hành án trả cho ông C số tiền là 500 triệu đồng, ông A không tự nguyện thi hành án. Cơ quan thi hành án xác định vợ chồng ông A có tài sản là quyền sử dụng 156m2 đất cùng tài sản gắn liền trên đất, nhưng chưa làm các thủ tục thông báo theo quy định tại khoản 1 Điều 74 của Luật Thi hành án dân sựchưa cưỡng chế thi hành án đối với ông A. Ông C khởi kiện yêu cầu Tòa án xác định phần quyền sở hữu tài sản, phần quyền sử dụng đất của ông A trong khối tài sản chung. Sau khi thụ lý vụ án, Tòa án nhân dân huyện H ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án với lý do ông C chưa đủ kiều kiện khởi kiện. Vậy, quyết định đình chỉ này của Tòa án nhân dân huyện H có đúng không?

    Theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 7 của Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự có quyền: "Khởi kiện dân sự để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình trong trường hợp có tranh chấp về tài sản liên quan đến thi hành án".

    Khoản 1 Điều 74 của Luật Thi hành án dân sự quy định: “Trường hợp chưa xác định được phần quyền sở hữu tài sản, phần quyền sử dụng đất của người phải thi hành án trong khối tài sản chung để thi hành án thì Chấp hành viên phải thông báo cho người phải thi hành án và những người có quyền sở hữu chung đối với tài sản, quyền sử dụng đất biết để họ tự thỏa thuận phân chia tài sản chung hoặc yêu cầu Tòa án giải quyết theo thủ tục t tụng dân sự.

    Hết thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo mà các bên không có thỏa thuận hoặc thỏa thuận vi phạm quy định tại Điều 6 của Luật này hoặc thỏa thuận không được và không yêu cầu Tòa án giải quyết thì Chấp hành viên thông báo cho người được thi hành án có quyền yêu cầu Tòa án xác định phần quyền sở hữu tài sản, phần quyền sử dụng đất của người phải thi hành án trong khối tài sản chung theo thủ tục tố tụng dân sự...”

    Theo quy định tại khoản 12 Điều 26 của Bộ luật Tố tụng dân sự thì: "Tranh chấp liên quan đến tài sản bị cưỡng chế thi hành án theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự" là một trong những tranh chấp dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án.

    Tuy nhiên, trong trường hợp này cơ quan thi hành án dân sự mới chỉ xác định vợ chồng ông A có tài sản là quyền sử dụng đất tại thửa đất diện tích 156m2 cùng tài sản gắn liền trên đất mà chưa làm các thủ tục thông báo theo quy định tại khoản 1 Điều 74 của Luật Thi hành án dân sự, ông C (người được thi hành án) đã khởi kiện yêu cầu Tòa án xác định phần quyền sở hữu tài sản, phần quyền sử dụng đất của người phải thi hành án trong khối tài sản chung là chưa đủ điều kiện khởi kiện. Do đó, Tòa án nhân huyện H ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự là có căn cứ.

    2. Theo Công văn số 141/TANDTC-KHXX ngày 21-9-2011 của Tòa án nhân dân tối cao về thẩm quyền giải quyết các yêu cầu trả lại giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản thì Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không phải là giấy tờ có giá, nếu có yêu cầu Tòa án giải quyết buộc người chiếm giữ trả lại các giấy tờ này thì Tòa án không thụ lý giải quyết. Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 2 Điều 4 của Bộ luật Tố tụng dân sự thì “Tòa án không được từ chối giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật áp dụng”. Vậy, Tòa án có được thụ lý giải quyết các trường hợp này không?

    Khoản 8 Điều 6 của Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam năm 2010 quy định: Giấy tờ có giá là bằng chứng xác nhận nghĩa vụ trả nợ giữa tổ chức phát hành giấy tờ có giá với người sở hữu giấy tờ có giá trong một thời hạn nhất định, điều kiện trả lãi và các điều kiện khác”. Luật Các công cụ chuyển nhượng năm 2005 quy định giấy tờ có giá là: Hối phiếu đòi nợ, hối phiếu nhận nợ, séc.

    Khoản 16 Điều 3 của Luật Đất đai năm 2013 quy định: "Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là chứng thư pháp lý để Nhà nước xác nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất hợp pháp của người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất”. Mục 1 Phần I Công văn số 02/GĐ-TANDTC ngày 19-9-2016 của Tòa án nhân dân tối cao giải đáp một số vấn đề về tố tụng hành chính, tố tụng dân sự hướng dẫn: “Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là quyết định hành chính; nếu thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 3 Luật Tố tụng hành chính năm 2015 thì là đi tượng khởi kiện vụ án hành chính”. Theo đó, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là quyết định hành chính, không phải là “bằng chứng xác nhận nghĩa vụ tr nợ” cho nên không phải là giấy tờ có giá. Do vậy, hướng dẫn tại Công văn số 141/TANDTC-KHXX xác định giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không phải là giấy tờ có giá vẫn phù hợp với Bộ luật Dân sự năm 2015 và các pháp luật khác đang có hiệu lực.

    Điều 164 của Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản có quyền yêu cầu Tòa án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác buộc người có hành vi xâm phạm quyền phải tr lại tài sản, chấm dứt hành vi cản trở trái pháp luật việc thực hiện quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản và yêu cầu bồi thường thiệt hại.”

    Như vậy, nếu có yêu cầu Tòa án giải quyết buộc người chiếm giữ trả lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chấm dứt hành vi cản trở thực hiện quyền của người sử dụng đất thì Tòa án nhân dân sẽ thụ lý giải quyết theo quy định tại khoản 2 Điều 26 của Bộ luật Tố tụng dân sự.

    3. Trong quá trình giải quyết tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất hoặc hợp đồng mua bán tài sản, thế chấp tài sản... Tòa án có phải đưa tổ chức hành nghề công chứng hợp đồng vào tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan không?

    Theo quy định tại điểm d và điểm g khoản 2 Điều 17 của Luật Công chứng sửa đổi năm 2018 thì Công chứng viên có nghĩa vụ giải thích cho người yêu cầu công chứng hiểu rõ quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của họ, ý nghĩa và hậu quả pháp lý của việc công chứng; trường hợp từ chối yêu cầu công chứng thì phải giải thích rõ lý do cho người yêu cầu công chứng và chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước người yêu cầu công chứng về văn bản công chứng của mình.

    Điều 38 của Luật Công chứng sửa đổi năm 2018 quy định:

    “1. Tổ chức hành nghề công chứng phải bồi thường thiệt hại cho người yêu cầu công chứng và cá nhân, tổ chức khác do lỗi mà công chứng viên, nhân viên hoặc người phiên dịch là cộng tác viên của tổ chức mình gây ra trong quá trình công chứng.

    2. Công chứng viên, nhân viên hoặc người phiên dịch là cộng tác viên gây thiệt hại phải hoàn trả lại một khoản tiền cho tổ chức hành nghề công chứng đã chi trả khoản tiền bồi thường cho người bị thiệt hại theo quy định của pháp luật; trường hợp không hoàn trả thì tổ chức hành nghề công chứng có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết”.

    Khoản 4 Điều 68 của Bộ luật Tố tụng dân sự quy định: “Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án dân sự là người tuy không khởi kiện, không bị kiện, nhưng việc giải quyết vụ án dân sự có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ nên họ được tự mình đề nghị hoặc các đương sự khác đề nghị và được Tòa án chấp nhận đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

    Trường hợp việc giải quyết vụ án dân sự có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của một người nào đó mà không có ai đề nghị đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thì Tòa án phải đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan".

    Như vậy, căn cứ các quy định nêu trên, tùy từng trường hợp mà Tòa án xem xét có đưa tổ chức hành nghề công chứng vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Trường hợp việc giải quyết tranh chấp hợp đồng có liên quan đến nghĩa vụ giải thích của Công chứng viên theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 17 của Luật Công chứng sửa đổi năm 2018, trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người yêu cầu công chứng của tổ chức hành nghề công chứng thì Tòa án xem xét đưa tổ chức hành nghề công chứng vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

    4. Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) mua lại khoản nợ xấu của tổ chức tín dụng, sau đó, VAMC ủy quyền lại cho tổ chức tín dụng khởi kiện, tham gia tố tụng tại Tòa án để yêu cầu xử lý nợ xấu. Khi thụ lý, giải quyết thì Tòa án có triệu tập và tống đạt các văn bản tố tụng cho cả VAMC và tổ chức tín dụng không?

    Khoản 1 Điều 138 của Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: "Cá nhân, pháp nhân có thể ủy quyền cho cá nhân, pháp nhân khác xác lập, thực hiện giao dịch dân sự”.

    Khoản 4 Điều 85 của Bộ luật Tố tụng dân sự quy định: Người đại diện theo ủy quyền theo quy định của Bộ luật Dân sự là người đại diện theo ủy quyền trong tố tụng dân sự”.

    Khoản 2 Điều 86 của Bộ luật Tố tụng dân sự quy định: Người đại diện theo ủy quyền trong tố tụng dân sự thực hiện quyền, nghĩa vụ tố tụng dân sự của đương sự theo nội dung văn bản ủy quyền”.

    Theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 6 của Nghị quyết số 03/2018/NQ-HĐTP ngày 15-5-2018 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật trong giải quyết tranh chấp về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu tại Tòa án nhân dân thì pháp nhân có quyền ủy quyền cho pháp nhân hoặc cá nhân khác khởi kiện, tham gia tố tụng tại Tòa án có thẩm quyền để giải quyết tranh chấp về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu.

    Trường hợp này, VAMC đã mua lại khoản nợ xấu của tổ chức tín dụng, sau đó VAMC có văn bản ủy quyền cho tổ chức tín dụng với nội dung tổ chức tín dụng được khởi kiện và tham gia tố tụng tại Tòa án để giải quyết tranh chấp về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu thì tổ chức tín dụng được ủy quyền có các quyền và nghĩa vụ tố tụng dân sự của đương sự. Do vậy, khi giải quyết vụ án, Tòa án phải triệu tập và tống đạt văn bản tố tụng cho tổ chức tín dụng được ủy quyền, không phải triệu tập và tống đạt các văn bản tố tụng cho VAMC.

    5. Trong quá trình giải quyết vụ án dân sự, nguyên đơn không nộp tiền chi phí định giá theo điểm đ khoản 1 Điều 217 của Bộ luật Tố tụng dân sự thì Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án. Vậy, trong trường hợp này nguyên đơn có quyền khởi kiện lại vụ án như trường hợp người khởi kiện rút đơn khởi kiện hay không?

    Theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 217 của Bộ luật Tố tụng dân sự thì:

    “Sau khi thụ lý vụ án thuộc thẩm quyền của mình, Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự trong các trường hợp sau đây:

    ...đ) Nguyên đơn không nộp tiền tạm ứng chi phí định giá tài sản và chi phí tố tụng khác theo quy định của Bộ luật này...”

    Khoản 1 Điều 218 của Bộ luật Tố tụng dân sự quy định: “Khi có quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự, đương sự không có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết lại vụ án dân sự đó, nếu việc khởi kiện vụ án sau không có gì khác với vụ án trước về nguyên đơn, bị đơn và quan hệ pháp luật có tranh chấp, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 192, điểm c khoản 1 Điều 217 của Bộ luật này và các trường hợp khác theo quy định của pháp luật...”.

    Như vậy, theo các quy định nêu trên thì trường hợp Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự vì lý do “Nguyên đơn không nộp tiền tạm ứng chi phí định giá tài sản và chi phí tố tụng khác” thì nguyên đơn không có quyền khởi kiện lại để yêu cầu Tòa giải quyết tiếp vụ án như đối với trường hợp rút đơn khởi kiện.

    6. Ông A chuyển nhượng đất cho ông B với giá 02 tỉ đồng, ông B đã trả được cho ông A là 500 triệu đồng nhưng sau đó hai bên xảy ra tranh chấp, ông B yêu cầu tuyên bố hợp đồng giữa ông với ông A vô hiệu. Tòa án giải quyết tuyên bố hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa ông A và ông B vô hiệu và các bên trả lại cho nhau những gì đã nhận. Vậy, trong trường hợp này ông A có phải chịu án phí của số tiền 500 triệu đồng phải trả cho ông B không?

    Theo quy định tại khoản 3 Điều 27 của Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30-12-2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án (sau đây gọi tắt là Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14) thì:

    "Đối với tranh chấp về hợp đồng mua bán tài sản, chuyển nhượng quyền sử dụng đất vô hiệu thì nghĩa vụ chịu án phí dân sự sơ thẩm được xác định như sau:

    a) Trường hợp một bên yêu cầu công nhận hợp đồng mua bán tài sản, chuyển nhượng quyền sử dụng đất và một bên yêu cầu tuyên bố hợp đồng mua bán tài sản, chuyển nhượng quyền sử dụng đất vô hiệu và đều không có yêu cầu gì khác; nếu Tòa án tuyên bố hợp đồng vô hiệu thì bên yêu cầu công nhận hợp đồng phải chịu án phí như đối với trường hợp vụ án dân sự không có giá ngạch; nếu Tòa án tuyên bố công nhận hợp đồng thì bên yêu cầu tuyên bố hợp đồng vô hiệu phải chịu án phí như đối với trường hợp vụ án dân sự không có giá ngạch;

    b) Trường hợp một bên yêu cầu công nhận hợp đồng mua bán tài sản, chuyển nhượng quyền sử dụng đất và một bên yêu cầu tuyên bố hợp đồng mua bán tài sản, chuyển nhượng quyền sử dụng đất vô hiệu và có yêu cầu Tòa án giải quyết hậu quả của hợp đồng vô hiệu thì ngoài việc chịu án phí không có giá ngạch được quy định tại điểm a, khoản 3 Điều này, người phải thực hiện nghĩa vụ về tài sản hoặc bồi thường thiệt hại phải chịu án phí như trường hợp vụ án dân sự có giá ngạch đối với giá trị tài sản phải thực hiện nghĩa vụ.”

    Căn cứ quy định nêu trên, trường hợp ông B yêu cầu tuyên bố hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất vô hiệu, ông A và ông B không có yêu cầu gì khác; nếu Tòa án tuyên bố hợp đồng vô hiệu thì ông A phải chịu án phí như đối với trường hợp vụ án không có giá ngạch.

    Trường hợp ông B yêu cầu tuyên bố hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất vô hiệu và có yêu cầu Tòa án giải quyết hậu quả của hợp đồng vô hiệu, thì ông A phải chịu án phí không có giá ngạch và án phí theo giá ngạch của số tiền 500 triệu đồng phải trả cho ông B.

    7. Cụ D, cụ E có hai người con là ông A, bà B. Ông A sinh sống cùng cụ D, cụ E trên diện tích đất do các cụ tạo lập nhưng chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Khi Nhà nước có chủ trương cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo Luật Đất đai năm 1993, ông A đã kê khai đăng ký quyền sử dụng đất và được Ủy ban nhân dân huyện X cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; khi đó cụ D, cụ E còn sống không có ý kiến phản đối. Sau khi cụ D, cụ E chết, bà B khởi kiện yêu cầu chia di sản thừa kế của hai cụ. Vậy, vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp huyện hay Tòa án nhân dân cấp tỉnh?

    Khoản 5 Điều 26 của Bộ luật Tố tụng dân sự quy định những tranh chấp dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án, trong đó có thẩm quyền giải quyết tranh chấp về thừa kế tài sản.

    Khoản 1 Điều 35 của Bộ luật Tố tụng dân sự quy định: "1. Tòa án nhân dân cấp huyện có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chp sau đây:

    a) Tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình quy định tại Điều 26 và Điều 28 của Bộ luật này, trừ tranh chấp quy định tại khoản 7 Điều 26 của Bộ luật này;

    b) Tranh chấp về kinh doanh, thương mại quy định tại khoản 1 Điều 30 của Bộ luật này;

    c) Tranh chấp về lao động quy định tại Điều 32 của Bộ luật này”.

    Điều 34 của Bộ luật Tố tụng dân sự quy định:

    "1. Khi giải quyết vụ việc dân sự, Tòa án có quyền hủy quyết định cá biệt trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự trong vụ việc dân sự mà Tòa án có nhiệm vụ giải quyết.

    2. Quyết định cá biệt quy định tại khoản 1 Điều này là quyết định đã được ban hành về một vấn đề cụ thể và được áp dụng một lần đối với một hoặc một số đối tượng cụ thể. Trường hợp vụ việc dân sự có liên quan đến quyết định này thì phải được Tòa án xem xét trong cùng một vụ việc dân sự đó.

    3. Khi xem xét hủy quyết định quy định tại khoản 1 Điều này, Tòa án phải đưa cơ quan, tổ chức hoặc người có thẩm quyền đã ban hành quyết định tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

    Cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền đã ban hành quyết định phải tham gia tố tụng và trình bày ý kiến của mình về quyết định cá biệt bị Tòa án xem xét hủy.

    4. Thẩm quyền của cấp Tòa án giải quyết vụ việc dân sự trong trường hợp có xem xét việc hủy quyết định cá biệt quy định tại khoản 1 Điều này được xác định theo quy định tương ứng của Luật tố tụng hành chính về thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp huyện, Tòa án nhân dân cấp tỉnh”.

    Khoản 4 Điều 32 của Luật Tố tụng hành chính quy định Tòa án nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền giải quyết: "Khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của Ủy ban nhân dân cấp huyện, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện trên cùng phạm vi địa giới hành chính với Tòa án”.

    Như vậy, trường hợp đương sự khởi kiện yêu cầu chia di sản thừa kế, không yêu cầu hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; căn cứ quy định tại khoản 5 Điều 26 và khoản 1 Điều 35 của Bộ luật Tố tụng dân sự thì vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp huyện.

    Trường hợp đương sự yêu cầu chia di sản thừa kế đồng thời yêu cầu hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; căn cứ Điều 34 của Bộ luật Tố tụng dân sự thì vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp tỉnh.

    8. Trong vụ án dân sự, bị đơn có yêu cầu phản tố, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập. Sau đó, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có đơn xin rút một phần yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập. Tòa án có ra quyết định đình chỉ giải quyết đối với phần yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập đã rút không và xử lý tiền tạm ứng án phí như thế nào?

    Khoản 2 Điều 244 của Bộ luật Tố tụng dân sự quy định: "Trường hợp có đương sự rút một phần hoặc toàn bộ yêu cầu của mình và việc rút yêu cầu của họ là t nguyện thì Hội đồng xét xử chấp nhận và đình chỉ xét xử đối với phần yêu cầu hoặc toàn bộ yêu cầu đương sự đã rút”.

    Theo quy định tại khoản 3 Điều 18 của Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 thì “Trường hợp Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết yêu cầu trong vụ án dân sự vì lý do bị đơn có yêu cầu phản tố rút yêu cầu phản tố, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập rút yêu cầu thì tiền tạm ứng án phí được trả lại cho người đã nộp”.

    Như vậy, trường hợp nguyên đơn vẫn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện, bị đơn, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan rút một phần yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập thì Tòa án đình chỉ giải quyết phần yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập đã rút, tiền tạm ứng án phí không được trả lại cho đương sự. Việc đình chỉ và xử lý tiền tạm ứng án phí sẽ được Hội đồng xét xử nhận định và quyết định trong bản án. Trường hợp bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan rút toàn bộ yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập thì tiền tạm ứng án phí sẽ được Tòa án trả lại cho đương sự.

    9. Người khởi kiện đã ghi đầy đủ và đúng địa chỉ nơi cư trú, làm việc hoặc nơi có trụ sở của người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan theo địa chỉ ghi trong giao dịch, hợp đồng bằng văn bản thì Tòa án có phải yêu cầu bổ sung văn bản xác minh nơi cư trú của người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan mới thụ lý vụ án không? Trong quá trình giải quyết vụ án, Tòa án không thể tống đạt được văn bản tố tụng cho bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan theo địa chỉ ghi trong giao dịch, hợp đồng do nguyên đơn cung cấp. Tòa án tiến hành xác minh tại địa phương thì bị đơn đã đi khỏi nơi cư trú 06 tháng trước. Trong trường hợp này, Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án hay tiếp tục giải quyết vụ án?

    Điểm e khoản 1 Điều 192 của Bộ luật Tố tụng dân sự quy định: “Trường hợp trong đơn khởi kiện, người khởi kiện đã ghi đầy đ và đúng địa chỉ nơi cư trú của người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan nhưng họ không có nơi cư trú ổn định, thường xuyên thay đổi nơi cư trú, trụ sở mà không thông báo địa chỉ mới cho cơ quan, người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về cư trú làm cho người khởi kiện không biết được nhằm mục đích che giấu địa chỉ, trốn tránh nghĩa vụ đối với người khởi kiện thì Thẩm phán không trả lại đơn khởi kiện mà xác định người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan cố tình giấu địa chỉ và tiến hành thụ lý, giải quyết theo thủ tục chung.

    Điểm a khoản 1 Điều 5 của Nghị quyết số 04/2017/NQ-HĐTP ngày 05-5-2017 hướng dẫn một số quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 192 Bộ luật Tố tụng dân sự số 92/2015/QH13 về trả lại đơn khởi kiện, quyền nộp đơn khởi kiện lại vụ án (sau đây gọi tắt là Nghị quyết số 04/2017/NQ-HĐTP) quy định: “Địa chỉ nơi cư trú của người bị kiện, người có quyn lợi, nghĩa vụ liên quan” quy định tại điểm e khoản 1 Điều 192 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 được xác định như sau: Nếu người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là công dân Việt Nam, người Việt Nam định cư ở nước ngoài vẫn còn quốc tịch Việt Nam trở về Việt Nam sinh sống thì nơi cư trú của họ là địa chỉ chỗ ở hợp pháp mà người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thường trú hoặc tạm trú hoặc đang sinh sống theo quy định của Luật cư trú”.

    Khoản 2 Điều 5 của Nghị quyết số 04/2017/NQ-HĐTP quy định: “Người khởi kiện đã cung cấp địa chỉ “nơi cư trú, làm việc, hoặc nơi có trụ sở” của người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan cho Tòa án theo đúng quy định của pháp luật và hướng dẫn tại khoản 1 Điều này tại thời điểm nộp đơn khởi kiện mà được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp, xác nhận hoặc có căn cứ khác chứng minh rằng đó là địa chỉ của người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thì được coi là đã ghi đúng địa chỉ của người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan theo quy định tại điểm e khoản 1 Điều 192 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015”.

    Khoản 1 Điều 6 của Nghị quyết số 04/2017/NQ-HĐTP quy định: “Trường hợp trong đơn khởi kiện người khởi kiện đã ghi đầy đủ và đúng địa ch của người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan theo hướng dẫn tại Điều 5 Nghị quyết này thì Tòa án phải nhận đơn khởi kiện và xem xét thụ lý vụ án theo thủ tục chung”.

    Căn cứ các quy định trên, người khởi kiện đã ghi đúng, đầy đủ địa chỉ của bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan theo địa chỉ ghi trong giao dịch, hợp đồng thì Tòa án phải thụ lý vụ án mà không được yêu cầu người khởi kiện phải cung cấp bổ sung văn bản xác minh nơi cư trú của bị đơn và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

    Trường hợp sau khi thụ lý vụ án mà không tống đạt được văn bản tố tụng, xác minh tại địa phương thì họ đã đi khỏi nơi cư trú 6 tháng trước; đây được xác định là trường hợp người bị kiện, người có quyền, nghĩa vụ liên quan giấu địa chỉ. Tòa án căn cứ quy định tại điểm a, điểm b khoản 2 Điều 6 của Nghị quyết số 04/2017/NQ-HĐTP để tiếp tục giải quyết vụ án theo thủ tục chung mà không ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án.

    10. Trường hợp A kiện đòi B trả số tiền là 10.000.000 đồng và 20 chỉ vàng. Khi Tòa án tiến hành hòa giải, A chỉ yêu cầu B trả 10.000.000 đồng, đối với 20 chỉ vàng A không yêu cầu B trả. Như vậy, Thẩm phán ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của đương sự và xử lý tiền tạm ứng án phí đối với 20 chỉ vàng như thế nào?

    Bộ luật Tố tụng dân sự không quy định việc đương sự rút một phần yêu cầu khởi kiện trước khi mở phiên tòa thì được xử lý như thế nào mà chỉ quy định việc đương sự rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện tại điểm a khoản 2 Điều 210, điểm c khoản 1, 2, 3, 4 Điều 217, khoản 1 Điều 29, Điều 244 của Bộ luật Tố tụng dân sự. Cụ thể, tại khoản 2 Điều 244 của Bộ luật Tố tụng dân sự quy định: Trường hợp có đương sự rút một phần hoặc toàn bộ yêu cầu của mình và việc rút yêu cầu của họ là tự nguyện thì Hội đồng xét xử chấp nhận và đình chỉ xét xử đối với phần yêu cầu hoặc toàn bộ yêu cầu đương sự đã rút”.

    Trường hợp này, việc A rút yêu cầu đối với 20 chỉ vàng phải được ghi nhận vào Biên bản phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải. Tòa án căn cứ Điều 212 của Bộ luật Tố tụng dân sự ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự.

    Về án phí, theo quy định tại khoản 7 Điều 26 của Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 thì “Các bên đương sự thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án trong trường hợp Tòa án tiến hành hòa giải trước khi mở phiên tòa thì phải chịu 50% mức án phí, kể cả đối với các vụ án không có giá ngạch”.

    Do vậy, các đương sự phải chịu 50% mức án phí đối với số tiền 10.000.000 đồng, khoản tiền tạm ứng án phí đã nộp đối với yêu cầu trả 20 chỉ vàng thì đương sự không phải chịu án phí nên sẽ được hoàn trả lại.

    11. Trong vụ án hôn nhân và gia đình, trước khi mở phiên tòa xét xử, đương sự tự nguyện ly hôn nhưng không thỏa thuận được về con chung và tài sản chung. Do đương sự không thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết toàn bộ vụ án nên Tòa án quyết định đưa vụ án ra xét xử và ra bản án sơ thẩm. Trường hợp này, Tòa án phải quyết định về án phí như thế nào?

    Khoản 4 Điều 147 của Bộ luật Tố tụng dân sự quy định: "Trong vụ án ly hôn thì nguyên đơn phải chịu án phí sơ thẩm, không phụ thuộc vào việc Tòa án chấp nhận hay không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn. Trường hợp cả hai thuận tình ly hôn thì mỗi bên đương sự phải chịu một nửa án phí sơ thẩm”.

    Điểm a khoản 5 Điều 27 của Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 quy định: “Nguyên đơn phải chịu án phí dân sự sơ thẩm trong vụ án ly hôn không phụ thuộc vào việc Tòa án chấp nhận hay không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn. Trường hợp thuận tình ly hôn thì mỗi bên đương sự phải chịu 50% mức án phí”.

    Căn cứ các quy định nêu trên, trong vụ án ly hôn, nguyên đơn phải chịu toàn bộ án phí dân sự sơ thẩm, trường hợp thuận tình ly hôn thì các bên đương sự phải chịu 50% mức án phí quy định (mỗi bên phải chịu 25% mức án phí quy định).

    Trong trường hợp này, các bên không thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết toàn bộ vụ án nên Tòa án quyết định đưa vụ án ra xét xử và ra bản án sơ thẩm. Do các đương sự đã thỏa thuận tự nguyện ly hôn nên các đương sự chỉ phải chịu 50% mức án phí quy định đối với yêu cầu xin ly hôn (mỗi bên phải chịu 25% mức án phí quy định); về quan hệ tài sản thì mức án phí mỗi bên phải chịu dựa trên giá trị tài sản mà mỗi bên được chia theo quy định của pháp luật về án phí.

    Trên đây là giải đáp một số vướng mắc trong xét xử của Hội đồng Thẩm phán, Tòa án nhân dân tối cao thông báo để các Tòa án nghiên cứu, tham khảo trong quá trình giải quyết các vụ việc thuộc thẩm quyền.

     


    Nơi nhận:
    - Như kính gửi;
    - Chánh án TANDTC (để b/c);
    - Các Phó Chánh án TANDTC;
    - Các Thẩm phán TANDTC;
    - Ủy ban Tư pháp của Quốc hội;
    - Ủy ban Pháp luật của Quốc hội;
    - Ban Nội chính Trung ương;
    - Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
    - Văn phòng Chủ tịch nước;
    - Văn phòng Chính phủ;
    - Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
    - Bộ Công an;
    - Bộ Quốc phòng;
    - Bộ Tư pháp;
    - Cổng TTĐT TANDTC (để đăng tải);
    - Lưu: VT (VP, Vụ PC&QLKH).

    KT. CHÁNH ÁN
    PHÓ CHÁNH ÁN




    Nguyễn Trí Tuệ

     


    TẢI TOÀN BỘ CÔNG VĂN 02/TANDTC-PC: TẠI ĐÂY

    Liên hệ tư vấn pháp luật miễn phí

    Avatar Hoàng Thịnh Luật

    Luật sư Phan Minh Hoàng

    Hơn 10 năm kinh nghiệm hoạt động tư vấn pháp luật, tham gia tố tụng các mảng: Đất đai, Dân sự, Doanh nghiệp, Hành chính, Lao động, Hình sự...

    Hotline : 0913.849.072

    Zalo Hoàng Thịnh Luật
    Hotline Hoàng Thịnh Luật